Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước. Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ có giá tính thuế giá trị gia tăng khác nhau. Vậy thuế giá trị gia tăng là gì? Đối tượng nào sẽ chịu thuế hay được miễn thuế VAT? Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc xoay quanh thuế GTGT cũng như hướng dẫn cách tính thuế giá trị gia tăng theo 2 phương pháp khấu trừ và trực tiếp. Cùng TIM SEN tìm hiểu nhé!
Thuế GTGT là gì?
Thuế giá trị gia tăng (GTGT/VAT) là loại thuế đánh vào giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ. Loại thuế này phát sinh ở từng khâu trong suốt quá trình từ sản xuất, lưu thông đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Thuế GTGT sẽ được cộng vào giá mà người tiêu dùng phải trả khi mua hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng cuối sẽ là người chi trả nhưng đối tượng kê khai và nộp thuế cho nhà nước lại là doanh nghiệp, tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT
Đối tượng chịu thuế
Theo Điều 2, Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT:
“Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là tất cả các hàng hóa dịch vụ được tiêu dùng, mua bán tại Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài)”
Đối tượng không chịu thuế
Căn cứ theo Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã ban hành cụ thể danh mục chi tiết 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng. Cụ thể như sau:
▶ Sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nông nghiệp;
Ví dụ:
- Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như: gạo, rau củ quả, thịt, cá,…;
- Dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp: dịch vụ tưới tiêu, cày bừa,…;
- Giống vật nuôi, giống cây trồng;
- Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
▶ Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế theo cam kết quốc tế;
Ví dụ: Hàng hóa nhập khẩu với mục đích viện trợ, mang tính xã hội và không hoàn lại.
▶ Hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho xã hội;
Ví dụ: Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ,…
▶ Nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT để phù hợp với thông lệ quốc tế;
Ví dụ: Kinh doanh chứng khoán, hàng tạm nhập tái xuất, dịch vụ tín dụng, cho thuê tài chính,…
▶ Nhóm hàng hóa dịch vụ do nhà nước trả tiền;
Ví dụ: Vũ khí quốc phòng, phát sóng truyền thành, truyền hình,…
▶ Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế vì một số mục đích kinh doanh khác như: hộ kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống hoặc chuyển giao quyền sử dụng đất, chuyển giao công nghệ tin học…
Căn cứ tính thuế GTGT
Công thức tính thuế GTGT
Thuế giá trị gia tăng được tính dựa theo công thức chung:
Thuế GTGT = Giá tính thuế x Thuế suất thuế GTGT
Các loại thuế suất thuế GTGT
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng có 3 mức thuế suất, bao gồm: 0%, 5% và 10%. Cụ thể:
Mức thuế suất 0% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ:
- Dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế;
- Hàng hóa xuất khẩu;
- Dịch vụ không chịu thuế GTGT theo cam kết quốc tế hay quy định xuất khẩu.
Mức thuế suất 5% áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ:
- Nước sạch dùng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt;
- Nguồn quặng phục vụ sản xuất các loại phân bón, thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng nông nghiệp cây trồng, vật nuôi;
- Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương tưới tiêu, ao hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;
- Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến, sản xuất thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản trong khâu tiêu dùng chưa đến trực tiếp người tiêu dùng mà có qua khâu trung gian;
- Mủ cao su sơ chế;
- Thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa chế biến ở khâu kinh doanh thương mại (trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định);
- Đường, phụ phẩm trong sản xuất từ đường, bao gồm: rỉ đường, bã mía, bã bùn;
- Các sản phẩm thủ công, làm bằng tay, sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp;
- Các thiết bị, dụng cụ y tế thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% nếu được sự xác nhận của Bộ Y tế;
- Dụng cụ, đồ dùng dùng cho việc giảng dạy và học tập;
- Dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
- Đồ chơi cho trẻ em hoặc một số sách các loại (trừ sách không chịu thuế GTGT);
- Bán nhà ở xã hội, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định;
- Một số dịch vụ khoa học và công nghệ khác.
Mức thuế suất 10% áp dụng với các hàng hóa, dịch vụ:
- Không thuộc các đối tượng không chịu thuế, thuế suất 0% và thuế suất GTGT 5%.
Giá tính thuế
Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ có giá tính thuế giá trị gia tăng khác nhau. Quy định cụ thể như sau:
Đối tượng | Giá tính thuế |
Hàng hóa, dịch vụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh | Giá bán chưa có thuế GTGT |
Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) | Giá bán chưa có thuế GTGT + thuế TTĐB |
Hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) | Giá bán chưa có thuế GTGT + thuế BVMT |
Hàng hóa chịu thuế TTĐB và thuế BVMT | Giá bán chưa có thuế GTGT + thuế TTĐB + thuế BVMT |
Hàng hóa nhập khẩu | Giá nhập tại cửa khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế TTĐB (nếu có) + thuế BVMT (nếu có) |
Hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho | Giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh |
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật | 0* |
Hoạt động cho thuê tài sản | Số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT |
Hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm | Giá bán trả một lần chưa có thuế giá trị gia tăng, (không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm) |
Gia công hàng hóa | Giá gia công chưa có thuế GTGT |
Hoạt động xây dựng, lắp đặt | Giá trị công trình, hạng mục công trình thực hiện bàn giao chưa có thuế GTGT |
Hoạt động kinh doanh bất động sản | Giá bán BĐS chưa có thuế GTGT – giá chuyển quyền sử dụng đất/ tiền thuế đất phải nộp NSNN |
Hoạt động đại lý, môi giới, dịch vụ hưởng hoa hồng | Tiền hoa hồng nhận được chưa có thuế GTGT |
Phương pháp tính thuế GTGT
Phương pháp khấu trừ
Phương pháp khấu trừ thuế là phương pháp xác định số thuế GTGT cần phải nộp vào ngân sách nhà nước bằng cách lấy số thuế GTGT đầu ra trừ đi số thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, khi doanh nghiệp mua hàng hóa sẽ phải chịu mức thuế GTGT cho hàng hóa mua vào (gọi là thuế GTGT đầu vào). Nhưng khi doanh nghiệp bán lại hàng hóa đó thì người mua hàng sẽ chịu mức thuế GTGT tính trên giá trị của hàng hóa (gọi là thuế GTGT đầu ra).
Đối tượng áp dụng
Phương pháp khấu trừ trong tính thuế GTGT được áp dụng đối với các đối tượng:
- Cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, luật thuế, hóa đơn, chứng từ;
- Doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên;
Lưu ý: Trường hợp cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng tuy nhiên vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì vẫn được áp dụng theo phương pháp này.
Công thức tính thuế
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
- Thuế GTGT đầu ra là tổng thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp bán ra ghi trên hóa đơn GTGT;
- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT khi mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hóa đơn mua tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT; thuế GTGT ghi trên giấy nộp tiền thuế GTGT nhập khẩu của hàng hóa nhập khẩu hoặc giấy nộp tiền thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.
Ví dụ: Trong kỳ tính thuế quý 04.2021, công ty Tim Sen có tổng thuế GTGT đầu ra ghi trên hóa đơn bán ra là 15.000.000đ. Tổng thuế GTGT đầu vào ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ là 7.000.000đ.
▶ Như vậy, thuế GTGT công ty phải nộp trong quý 04.2021 được tính như sau:
15.000.000 – 7.000.000 = 8.000.000đ
Phương pháp trực tiếp
Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp được chia thành 2 phương pháp cụ thể sau đây:
- Tính thuế GTGT trực tiếp trên GTGT;
- Tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu.
Phương pháp xác định thuế GTGT trực tiếp trên GTGT
▶ Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác, thiết kế mẫu vàng bạc, đá quý.
▶ Công thức tính thuế GTGT:
Thuế GTGT phải nộp = GTGT x Thuế suất thuế GTGT
Trong đó:
- Thuế suất thuế GTGT là 10%
- Giá trị gia tăng = Giá bán của vàng, bạc đá quý bán ra – Giá mua của vàng bạc đá quý mua vào tương ứng.
Ví dụ: Trong ký tính thuế GTGT quý 4.2021, công ty A bán được 1 bộ trang sức bằng vàng có giá mua vào 7.000.000đ, giá bán ra là: 11.000.000đ. Như vậy, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ quý 4.2021 là:
(11.000.000đ – 7.000.000đ) x 10% = 400.000đ.
Phương pháp xác định thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu
▶ Đối tượng áp dụng:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu thu của khách hàng hàng năm dưới 1 tỷ đồng (trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ);
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh mới được mở để hoạt động (trừ trường hợp đăng ký tự nguyện);
- Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh, hoạt động tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam theo Luật Đầu tư;
- Tổ chức nước ngoài khác thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định (trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí);
- Các tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
▶ Công thức tính thuế GTGT phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %
Trong đó:
- Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ thực tế thu của khách hàng ghi trên hóa đơn GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu phát sinh thêm mà cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được hưởng.
- Tỷ lệ % để cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
Ngành nghề | Tỷ lệ % |
Ngành nghề thương mại, mua bán hàng hóa | 1% |
Dịch vụ không kèm hàng hóa, ngành nghề xây dựng không cung cấp nguyên vật liệu | 5% |
Ngành nghề sản xuất, giao thông vận tải, cung cấp dịch vụ có kèm hàng hóa, xây dựng có cung cấp cả nguyên vật liệu | 3% |
Hoạt động kinh doanh khác | 2% |
Ví dụ: Công ty Tim Sen trong kỳ quý 4.2021 có tổng doanh thu từ cung cấp dịch vụ kế toán là: 100.000.000đ. Như vậy, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ quý 4.2021 là:
100.000.000 x 5% = 5.000.000đ
Kết luận
Trên đây TIM SEN đã chia sẻ đến bạn những thông tin liên quan về thuế giá trị gia tăng cũng như cách tính thuế GTGT theo 2 phương pháp. Mỗi phương pháp tính thuế sẽ được áp dụng cho các đối tượng khác nhau cũng như có công thức tính riêng biệt. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thể tính toán được số thuế GTGT doanh nghiệp cần nộp chính xác nhất!
Xem thêm các bài viết khác:
=>> Dịch vụ báo cáo thuế trọn gói tại TPHCM