Ngày 20/03/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn điện tử và có hiệu lực từ 01/06/2025.
Hãy cùng Công ty Tim Sen – đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán thuế tại TP.HCM xem chi tiết nội dung này.
Các điểm mới của Nghị định số 70/2025/NĐ-CP
1. Bổ sung thêm loại hóa đơn: “Hóa đơn thương mại điện tử”
c) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:
“2a. Hóa đơn thương mại điện tử là hóa đơn áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (người xuất khẩu) có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài mà người xuất khẩu đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế. Hóa đơn thương mại điện tử đáp ứng quy định về nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này và quy định về định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Trường hợp người xuất khẩu không đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế thì lựa chọn lập hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử.”
2. Quy định thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với hàng xuất khẩu
Thời điểm lập hóa đơn điện tử hàng xuất khẩu do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.
“a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 như sau:
…
Đối với xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn thương mại điện tử, hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.”
3. Quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng xuất khẩu
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn điện tử theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường.
“b) Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm g khoản 3 như sau:
“c) Cơ sở kinh doanh có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử: hóa đơn thương mại điện tử hoặc hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử. Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn điện tử theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường.”
4. Quy định xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp trả lại hàng hóa, dịch vụ
Trường hợp người mua trả lại toàn bộ hoặc một phần hàng hóa thì:
+ Người bán lập hóa đơn điều chỉnh, hoặc
+ Người mua lập hóa đơn trả lại hàng hóa nếu các bên có thỏa thuận về việc người mua lập hóa đơn khi trả lại hàng hóa.
“c) Xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp trả lại hàng hoá, dịch vụ:
c.1) Trường hợp trả lại hàng hóa: Trường hợp người mua trả lại toàn bộ hoặc một phần hàng hóa (bao gồm cả trường hợp đổi hàng làm thay đổi giá trị của hàng hóa đã mua) thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua lập hóa đơn khi trả lại hàng hóa thì người mua lập hóa đơn điện tử giao cho người bán; người bán, người mua thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định khi bán hàng hóa.
c.2) Trường hợp hàng hoá là tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật và tài sản đã được đăng ký theo tên người mua thì khi trả lại hàng hoá đảm bảo phù hợp với pháp luật liên quan, nếu người mua là đối tượng sử dụng hoá đơn điện tử thì người mua thực hiện lập hoá đơn trả lại hàng cho người bán.”
5. Quy định về kê khai thuế đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế
– Kê khai tại kỳ gốc: áp dụng đối với các trường hợp có sai về mã số thuế; sai về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng.
– Kê khai tại kỳ phát sinh hóa đơn điều chỉnh, thay thế:
Áp dụng đối với các trường hợp sau:
+ Hóa đơn trả hàng hóa
+ Hóa đơn chiết khấu thương mại.
+ Hóa đơn điện tử mới đối với số chênh lệch khi quyết toán có sự thay đổi về giá trị, khối lượng (phát sinh giảm ghi âm (-) hoặc phát sinh tăng ghi dương (+))
“5. Áp dụng hóa đơn điều chỉnh, thay thế
d) Hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì người bán, người mua khai bổ sung vào kỳ phát sinh hóa đơn bị điều chỉnh, bị thay thế;
đ) Hóa đơn điều chỉnh đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì người bán kê khai vào kỳ phát sinh hóa đơn điều chỉnh, người mua kê khai vào kỳ nhận được hóa đơn điều chỉnh.”
6. Quy định thời điểm cấp mã đối với hóa đơn điện tử có ngày lập khác ngày ký trên hóa đơn.
Thời điểm ký số và thời điểm gửi cơ quan thuế cấp mã đối với hóa đơn có mã của cơ quan thuế chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ thời điểm lập hóa đơn.
“c) Sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:
“9. Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm ký số và thời điểm gửi cơ quan thuế cấp mã đối với hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ thời điểm lập hóa đơn (trừ trường hợp gửi dữ liệu theo bảng tổng hợp quy định tại điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định này). Người bán khai thuế theo thời điểm lập hóa đơn; thời điểm khai thuế đối với người mua là thời điểm nhận hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.”
7. Quy định về lập hóa đơn đối với hàng khuyến mại, cho, biếu, tặng
Người bán được lập hóa đơn tổng giá trị khuyến mại, cho, biếu, tặng kèm theo danh sách khuyến mại, cho, biếu, tặng.
“Trường hợp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thương mại; cho, biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ phù hợp với quy định pháp luật thì được lập hóa đơn tổng giá trị khuyến mại, cho, biếu, tặng kèm theo danh sách khuyến mại, cho, biếu, tặng. Tổ chức lưu giữ hồ sơ có liên quan về chương trình khuyến mại, cho, biếu, tặng và cung cấp khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung thông tin giao dịch và cung cấp bảng tổng hợp chi tiết hàng hóa, dịch vụ khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp khách hàng yêu cầu lấy hóa đơn theo từng giao dịch thì người bán phải lập hóa đơn giao cho khách hàng.
Hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số…, ngày… tháng… năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất thuế giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số…ngày… tháng… năm”.
8. Quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động khám, chữa bệnh
Người bán được lập hóa đơn tổng hợp cuối ngày nếu khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn
“n) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và quản lý viện phí, từng giao dịch khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ chụp, chiếu, xét nghiệm có in phiếu thu tiền (thu viện phí hoặc tiền khám, xét nghiệm) và có lưu trên hệ thống công nghệ thông tin, nếu khách hàng (người đến khám, chữa bệnh) không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ thông tin khám, chữa bệnh và thông tin từ phiếu thu tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các dịch vụ y tế thực hiện trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng.”
9. Quy định về tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn
– Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (Ví dụ: mặt hàng ăn, uống)
– Trường hợp hàng hóa phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì trên hóa đơn phải thể hiện các số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hóa mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: Số khung, số máy của ô tô, mô tô, địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của một ngôi nhà…
– Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải thì trên hoá đơn phải thể hiện biển kiểm soát phương tiện vận tải, hành trình (điểm đi – điểm đến)
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa trên nền tảng số, hoạt động thương mại điện tử thì phải thể hiện tên hàng hóa vận chuyển, thông tin tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số định danh người gửi hàng.
10. Quy định về thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn, Công thông tin điện tử của cơ quan thuế tự động đối chiếu thông tin của người đại diện pháp luật bao gồm thông tin sinh trắc học theo quy định về định danh và xác thực điện tử.
+ Nếu thông tin không khớp đúng thì người nộp thuế phải điều chỉnh thông tin
+ Nếu thông tin khớp đúng, cơ quan thuế sẽ gửi yêu cầu xác nhận qua địa chỉ thư điện tử, số điện thoại để người nộp thuế xác nhận chậm nhất ngày làm việc tiếp theo, sau đó cơ quan thuế thông báo chấp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp.
b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau:
“1a. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử:
a) Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đăng ký, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tự động đối chiếu thông tin (bao gồm thông tin sinh trắc học theo quy định về định danh và xác thực điện tử của Chính phủ và lộ trình của cơ quan thuế) của người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân đăng ký sử dụng hóa đơn giữa dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế với dữ liệu tại Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc theo dữ liệu tại Hệ thống Định danh và xác thực điện tử. Trường hợp thông tin không khớp đúng, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tự động gửi Thông báo không chấp nhận hồ sơ đăng ký hóa đơn điện tử và cung cấp các trường thông tin không khớp đúng cho người nộp thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất ngày làm việc tiếp theo để người nộp thuế điều chỉnh thông tin đã kê khai hoặc liên hệ với cơ quan công an để điều chỉnh thông tin trong Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Hệ thống Định danh và xác thực điện tử. Trường hợp thông tin khớp đúng, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tự động gửi yêu cầu đề nghị người nộp thuế xác nhận qua địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc người đại diện pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế, đăng ký doanh nghiệp. Người nộp thuế có trách nhiệm trả lời xác nhận ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất ngày làm việc tiếp theo; trường hợp quá thời hạn mà người nộp thuế chưa xác nhận hoặc xác nhận không thành công, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tự động gửi Thông báo không chấp nhận hồ sơ đăng ký hóa đơn điện tử cho người nộp thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất ngày làm việc tiếp theo. Cơ quan thuế áp dụng công nghệ sinh trắc học trong việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử phù hợp quy định pháp luật.
b) Trường hợp người nộp thuế đã xác nhận đúng thời hạn trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và người nộp thuế không thuộc trường hợp: người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân đã từng hoặc đang là người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân khác mà người nộp thuế đó có trạng thái mã số thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, người nộp thuế ngừng hoạt động chưa đóng mã số thuế, người nộp thuế tạm ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế; người nộp thuế có hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì trong thời hạn chậm nhất ngày làm việc tiếp theo, cơ quan thuế ban hành Thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại khoản 2 Điều này.
c) Trường hợp kết quả đối chiếu thông tin khớp đúng, người nộp thuế xác nhận trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đúng thời hạn nhưng người nộp thuế thuộc trường hợp người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân đã từng hoặc đang là người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân khác mà người nộp thuế đó có trạng thái mã số thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, người nộp thuế ngừng hoạt động chưa đóng mã số thuế, người nộp thuế tạm ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế; người nộp thuế có hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ; người nộp thuế rủi ro về thuế cao theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế, cơ quan thuế ban hành thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo Mẫu số 01/TB-BSTT-NNT ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP gửi cho người nộp thuế hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp thực hiện xác minh hoạt động thực tế tại địa chỉ đã đăng ký của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Người nộp thuế thực hiện giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung của cơ quan thuế.
d) Trường hợp cơ quan thuế chấp nhận thông tin giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế hoặc trường hợp kết quả xác minh người nộp thuế có hoạt động tại địa chỉ đăng ký thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp ban hành Thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế không giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được thông tin hoặc kết quả xác minh người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thì chậm nhất ngày làm việc tiếp theo cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế và ghi rõ lý do theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ được một số vướng mắc, bất cập trước đây và tạo nên sự thuận lợi cho người nộp thuế khi sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai thuế.
Xem thêm: Định danh điện tử cho doanh nghiệp
Trên đây là nội dung bài viết được Công ty Tim Sen – đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán thuế tại TP.HCM gửi tới bạn đọc.
Trong bất kỳ lúc nào, nếu bạn đang có bất cứ thắc mắc nào liên quan thành lập công ty trọn gói, dịch vụ kế toán thuế chuyên nghiệp TPHCM, dịch vụ hoàn thuế giá trị gia tăng, dịch vụ báo cáo thuế cuối năm tại TPHCM và các vấn đề khác có liên quan bạn có thể liên hệ tới TIM SEN thông qua tổng đài 028.71 069 069 – 0903 016 246 (24/7) để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí!
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY TNHH TIM SEN
🏢 Địa chỉ: Tòa nhà Hoàng Anh Safomec, Số 7/1 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, Tp.HCM, Việt Nam.
☎️ Điện thoại: (028) 71 069 069 – Hotline : 0903 016 246
📧 Email: info@timsen.vn